Cuộc cách mạng trong các hợp đồng tài trợ của siêu sao thể thao
BongDa.com.vnTại sao Harry Kane lại từ chối các "gã khổng lồ" để hợp tác với những thương hiệu nhỏ như Skechers và Reflo? Đây không còn là câu chuyện cá biệt, mà là một xu hướng lớn: các siêu sao ngày nay muốn nhiều hơn tiền bạc, họ muốn xây dựng di sản và tạo ra giá trị thực sự.

Thomas Muller nhìn thấy chiếc mũ lưỡi trai có logo lạ và ngay lập tức gọi Harry Kane lại. Đó là một buổi tối vào tháng 10, sau khi Bayern Munich thất bại trước Aston Villa ở Champions League. Theo truyền thống, một bữa ăn thân mật sau trận đã được tổ chức cho toàn đội.
Người vừa tuyên bố chia tay Bayern Munich sau FIFA Club World Cup tỏ ra rất phấn khích, trong nhiều tháng, anh đã nghe người đồng đội Harry Kane say sưa kể về thương hiệu này trong những trận golf và các cuộc trò chuyện hàng ngày. "Harry, lại đây, có một anh chàng đang đội mũ Reflo này," Muller hét lên. Nhưng Kane chỉ lắc đầu và cười giải thích rằng người đàn ông trước mặt họ chính là Rory MacFadyen, đồng sáng lập của công ty.
Khoảnh khắc nhỏ này thực ra lại hé lộ rất nhiều về một xu hướng lớn đang định hình lại cách các vận động viên hàng đầu thế giới tiếp cận các hợp đồng thương mại.
Không chỉ là gương mặt đại diện
Reflo, một thương hiệu đồ thể thao có sản phẩm được làm từ rác thải tái chế, vẫn còn là cái tên khá mới mẻ. Việc hợp tác với Harry Kane, một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất hành tinh là một bước tiến khổng lồ đối với họ. Nhưng câu hỏi lớn hơn là: Tại sao Kane, người có thể lựa chọn bất kỳ "gã khổng lồ" nào như Nike hay Adidas, lại chọn một đối tác khiêm tốn như vậy?
Câu trả lời nằm ở sự thay đổi trong tư duy của các siêu sao. Đối với Kane, sức hấp dẫn không nằm ở một tấm séc kếch xù, mà ở việc anh có thể tham gia sâu vào quá trình phát triển của thương hiệu. Anh không muốn chỉ là một nhà đầu tư thụ động hay một gương mặt đại diện được thuê để chụp ảnh quảng cáo. Anh muốn là một phần của câu chuyện.

"Anh ấy cho chúng tôi phản hồi về chất lượng sản phẩm, về thiết kế, và giải thích những gì anh ấy muốn thấy," người đồng sáng lập của Reflo chia sẻ. Kane thực sự tham gia vào các cuộc họp, thảo luận về chiến lược và tận dụng các mối quan hệ của mình để quảng bá cho thương hiệu.
Hơn nữa, Kane bị thu hút bởi các giá trị mà Reflo theo đuổi. Cam kết về môi trường, như việc trồng một triệu cây xanh, phù hợp với hình ảnh mà anh muốn xây dựng. Việc Reflo hoạt động trong lĩnh vực golf, môn thể thao yêu thích của Kane, cũng là một điểm cộng lớn, giúp anh kết hợp công việc với đam mê cá nhân.
Xu hướng này cũng lý giải cho quyết định gây sốc của Kane khi chuyển từ Nike sang mang giày của Skechers vào năm 2023. Cả hai động thái này đều cho thấy một mong muốn rõ ràng: Kane muốn trở thành nhân vật chính, là ngôi sao lớn nhất của thương hiệu, thay vì chỉ là một trong rất nhiều ngôi sao trong "dải ngân hà" của các tập đoàn khổng lồ.
Xây dựng Đế chế Riêng: Bài học từ Federer và Curry
Kane không hề đơn độc trong xu hướng này. Nhìn sang các môn thể thao khác, chúng ta thấy những tấm gương thậm chí còn rõ nét hơn về cách các vận động viên đang trở thành những doanh nhân thực thụ.
Huyền thoại quần vợt Roger Federer đã tạo ra một cú địa chấn khi rời bỏ Nike vào năm 2018. Thay vì ký hợp đồng với một đối thủ khác, anh đã đầu tư và trở thành cổ đông của On Running, một công ty giày non trẻ của Thụy Sĩ.
Đó là canh bạc cực lớn. Nhưng với sức hút toàn cầu của mình, Federer đã biến một thương hiệu ít tên tuổi thành một gã khổng lồ trên thị trường. Anh không chỉ nhận lương, anh đang xây dựng một đế chế của riêng mình.

Tương tự, ngôi sao bóng rổ Stephen Curry đã có một bước đi lịch sử khi từ bỏ Nike để hợp tác với Under Armour. Nhưng anh còn tiến xa hơn. Anh không chỉ có một dòng giày mang tên mình, mà đã xây dựng hẳn "Curry Brand", một thương hiệu con hoạt động gần như độc lập dưới sự bảo trợ của Under Armour.
"Đây là hình thức hợp tác chân chính nhất," đại diện của Curry Brand nói. "Stephen là Chủ tịch của Curry Brand. Anh ấy tham gia sâu vào mọi khâu, từ thiết kế sản phẩm, lên kế hoạch marketing, cho đến việc ký hợp đồng với các vận động viên trẻ khác. Anh ấy đang xây dựng một di sản."
Di sản và mục đích cao cả
Tiền bạc tất nhiên vẫn là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Hợp đồng của Curry với Under Armour có thể trị giá tới 1 tỷ đô la. Hậu vệ Jeremie Frimpong cũng nhận được khoản tiền lên tới 20 triệu bảng khi ký với New Balance.
Tuy nhiên, điều khác biệt là các vận động viên ngày nay muốn những khoản tiền đó đi kèm với mục đích cao cả hơn. Họ muốn xây dựng một di sản có ý nghĩa. Curry Brand có một cam kết mạnh mẽ với cộng đồng, mà minh chứng là việc họ đã xây dựng lại 20 sân bóng rổ ở các khu vực khó khăn để giúp đỡ trẻ em.

Tương tự, lý do Jeremie Frimpong chọn New Balance một phần là vì thương hiệu này cam kết hỗ trợ dự án phi lợi nhuận của anh. Dự án này giúp các cầu thủ trẻ ở học viện, những người không may mắn có được sự nghiệp chuyên nghiệp, tìm kiếm các con đường sự nghiệp khác ngoài bóng đá.
Trước đây, một bản hợp đồng tài trợ tốt đơn giản là hợp đồng có giá trị cao nhất. Nhưng bây giờ, các siêu sao muốn một mối quan hệ đối tác thật sự, nơi họ vừa nhận được lợi ích tài chính, vừa được tham gia đóng góp, lại vừa có thể theo đuổi một mục đích tốt đẹp.
Các vận động viên muốn các mối quan hệ hợp tác phản ánh đúng giá trị và con người của họ, đồng thời giúp họ tạo ra ảnh hưởng tích cực và lâu dài, ngay cả sau khi sự nghiệp thi đấu đã kết thúc.