Rainbow Laces trở thành bãi chiến trường ở Premier League như thế nào?
BongDa.com.vnChiến dịch Rainbow Laces đang mang đến nhiều tranh cãi trong nội bộ Premier League bởi những lý do khác nhau.

Những tranh cãi xoay quanh chiến dịch Rainbow Laces
Chiến dịch Rainbow Laces của Premier League, phối hợp cùng tổ chức từ thiện Stonewall, đã được triển khai từ 2013. Mỗi năm, giải đấu hấp dẫn nhất xứ sở sương mù dành ra một khoảng thời gian, thường vào tháng 11 hoặc 12, để ủng hộ quyền LGBTQ+.
Tên gọi "Rainbow Laces" xuất phát từ việc các cầu thủ ban đầu thể hiện sự ủng hộ bằng cách mang dây giày có màu cầu vồng trong các trận đấu.
Sau 11 năm, chiến dịch đã trở thành một phần cố định trong lịch trình Premier League, với sự tham gia của các câu lạc bộ để truyền tải thông điệp bình đẳng. Năm 2021, Luke Ayling và Rodrigo, khi còn là đồng đội tại Leeds United, bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình đối với chiến dịch này.
Tuy nhiên, Rainbow Laces không tránh khỏi các vấn đề và sự phản đối, với sự phản kháng trên sân cỏ đang ngày càng tăng ở mùa giải năm nay.
Sự chia rẽ trong bóng đá
Theo lịch thi đấu, tuần trước và loạt trận giữa tuần này được chỉ định là các vòng đấu Rainbow Laces. Tuy nhiên, một số cầu thủ không ngần ngại thách thức chỉ đạo từ phía Premier League, khiến chiến dịch trở thành tâm điểm theo cách mà ban tổ chức không hề mong muốn, dẫn đến một cuộc tranh cãi trên truyền thông.
Thứ Bảy tuần trước, đội trưởng Ipswich Town, Sam Morsy, một tín đồ Hồi giáo, từ chối mang băng đội trưởng cầu vồng vì đức tin của bản thân. Trong trận thua 0-1 trước Nottingham Forest, anh là đội trưởng duy nhất không tuân theo chỉ thị.
Về phía đội chủ sân Portman Road, câu lạc bộ này tuyên bố tôn trọng quan điểm cá nhân của cầu thủ trong khi vẫn khẳng định sự ủng hộ với quyền LGBTQ+.
Ngược lại, hậu vệ thuộc biên chế Crystal Palace, Marc Guehi, một tín đồ Cơ đốc giáo, vẫn mang băng đội trưởng cầu vồng nhưng ghi thêm thông điệp “I love Jesus” lên trên, trong trận hòa 1-1 với Newcastle United. Việc cầu thủ sử dụng sân cỏ để truyền tải thông điệp chính trị hoặc tôn giáo là vi phạm quy định, và Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã cảnh cáo anh.
Tuy nhiên, tuyển thủ Anh vẫn tiếp tục làm điều tương tự trong cuộc chạm trán Ipswich Town vào giữa tuần, khiến Liên đoàn bóng đá Anh (FA) phải đưa ra cảnh báo lần thứ hai.
Manchester United cũng đối mặt với tranh cãi khi dự kiến mặc áo khoác có thông điệp ủng hộ LGBTQ+ do Adidas thiết kế trước trận thắng Everton vào Chủ Nhật. Tuy nhiên, kế hoạch này bị hủy bỏ sau khi hậu vệ Noussair Mazraoui, một tín đồ Hồi giáo, lên tiếng phản đối.
Để tránh làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, "Quỷ đỏ" quyết định không mặc áo này, dù không phải tất cả đồng đội của hậu vệ người Morocco đều hài lòng với điều đó.
Tương lai của Rainbow Laces
Bóng đá phản ánh xã hội, nơi đang chứng kiến những cuộc xung đột văn hóa trên mọi lĩnh vực. Rainbow Laces bị kẹt giữa cuộc tranh luận về tự do biểu đạt: Ủng hộ LGBTQ+ đối lập với quyền giữ niềm tin tôn giáo.

Phản ứng của Premier League trước các sự kiện tuần qua sẽ là điều đáng chú ý. Trong các năm trước, giải đấu hầu như không đưa ra bình luận về những tranh cãi liên quan đến chiến dịch này.
Nếu ban tổ chức Premier League coi Rainbow Laces là một chiến dịch đáng để tiếp tục, họ cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ hơn, thay vì tiếp tục im lặng và bỏ qua.