Sự trỗi dậy và suy tàn của Triều Tiên: Gã khổng lồ say giấc của bóng đá nữ
BongDa.com.vnTừng là một thế lực đáng gờm của bóng đá nữ, cầm hòa tuyển Mỹ tại World Cup 2007, đội tuyển Triều Tiên luôn là một ẩn số. Được xây dựng từ một hệ thống đặc biệt và lòng trung thành với lãnh tụ, họ đã vươn tầm thế giới.

“Thông thường, khi có 30 cú sút trong một trận đấu, thì đội tuyển Mỹ sẽ chiếm khoảng 25 cú. Nhưng hôm nay thì không!”, lời bình luận đầy ngạc nhiên của bình luận viên ESPN vang lên trong trận khai màn World Cup Nữ 2007.
Heather O'Reilly là người ghi bàn gỡ hòa 2-2 cho đội tuyển Hoa Kỳ, đội bóng số một thế giới và cô từng 2 lần giành chức vô địch World Cup. Tuy nhiên, điều khiến cô ấn tượng nhất không phải tỷ số, mà là thái độ của đối thủ sau trận đấu.
O’Reilly không quá bất ngờ với kết quả hay cục diện ngang tài ngang sức của trận đấu. Cô đã biết trước rằng đây sẽ là một trận đấu vô cùng khó khăn đối với cô và các đồng đội. Điều thực sự gây ấn tượng với cô là cảm giác hụt hẫng của các cầu thủ Triều Tiên khi trận đấu kết thúc. Họ không tỏ ra vui mừng vì đã giành được một điểm trước ƯCV số 1 , mà ngược lại, những cô gái Triều Tiên thất vọng vì đã không giành được chiến thắng.
“Tôi nhớ rằng các cầu thủ Triều Tiên có vẻ thất vọng” O’Reilly kể. “Ngôn ngữ cơ thể của họ như muốn nói rằng, ‘chúng ta đã suýt hạ gục được gã khổng lồ’.”
Triều Tiên là một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới, được xây dựng trên sự tôn sùng tuyệt đối dành cho Lãnh tụ Tối cao Kim Jong-un, cùng với tâm lý nghi ngờ sâu sắc đối với thế giới bên ngoài. Mặc dù điều kiện sống có thể thua kém nhiều nước khác, nhưng bóng đá nữ Triều Tiên từng là thế lực mạnh trên bình diện quốc tế.
Khi chạm trán Hoa Kỳ vào năm 2007, họ đang xếp thứ năm thế giới và nằm trong giai đoạn đỉnh cao với 3 chức vô địch châu Á chỉ trong vòng một thập kỷ.
Thành tích của họ ở cấp độ trẻ thời gian gần đây còn nổi bật hơn. Năm 2016, đội U20 nữ Triều Tiên đã giành chức vô địch World Cup sau khi đánh bại Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Pháp ở vòng loại trực tiếp. Cùng năm đó, đội U17 cũng đăng quang tại giải vô địch thế giới dành cho lứa tuổi của mình.
“Trận đấu năm 2007 thật sự là một thử thách cực kỳ khó khăn”, O’Reilly nhớ lại. “Rất khó để lấy bóng khỏi chân họ, họ di chuyển liên tục và cực kỳ nhanh.”
Nhưng đối đầu với Triều Tiên còn có một thách thức khác, một điều đặc biệt chỉ riêng họ mới có.
“Đó là một màn sương mù của sự không chắc chắn”, cô nói. “Tư liệu video chúng tôi có về họ rất hạn chế, ngay cả theo tiêu chuẩn của thời điểm đó. Mỗi khi chúng tôi đối đầu với Triều Tiên, họ luôn là một ẩn số.”
Giờ đây, sau bê bối doping và 4 năm vắng mặt khỏi sân chơi quốc tế, câu hỏi đặt ra là liệu đội tuyển nữ Triều Tiên có thể trở lại vị thế của một thế lực hàng đầu hay không.

O’Reilly và các đồng đội ở Hoa Kỳ có thể không biết nhiều về đối thủ. Nhưng Brigitte Weich thì biết. Nhà làm phim người Áo đã dành suốt 5 năm theo sát đội tuyển nữ Triều Tiên để thực hiện bộ phim tài liệu mang tên "Hana, dul, sed" phát hành vào năm 2009. Bà có được mức độ tiếp cận chưa từng có với hoạt động nội bộ và các cầu thủ của đội tuyển này.
Theo Weich, cũng giống như hầu hết mọi lĩnh vực khác tại Triều Tiên, ảnh hưởng sâu rộng của quốc gia này đối với bóng đá nữ bắt nguồn từ nhà lãnh đạo tối cao.
“Các cầu thủ luôn nói với chúng tôi rằng Cố Lãnh tụ Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, đã đích thân ủng hộ bóng đá nữ”, bà kể. “Tất nhiên, họ quy mọi thứ về nhà lãnh đạo và không có gì xảy ra nếu không có sự hướng dẫn, hậu thuẫn hoặc ý chí của ông ấy. Nhưng trong một chế độ toàn trị có phân cấp chặt chẽ như Triều Tiên, điều đó cũng có phần đúng.”

Weich nhắc đến một giả thuyết rằng sự quan tâm của Triều Tiên với bóng đá nữ bắt đầu từ một sự kiện tại Mexico năm 1986. Tại Đại hội FIFA năm đó, bà Ellen Wille, một đại biểu người Na Uy dù chỉ cao khoảng 1 mét rưỡi nhưng đã khiến mọi người phải ngước nhìn, khi bước lên bục phát biểu và mở đầu bài diễn văn đầu tiên của một phụ nữ tại Đại hội FIFA bằng một tiếng nói đầy phẫn nộ.
Bà tức giận vì bóng đá nữ bị lãng quên và chỉ được đề cập vỏn vẹn nửa trang trong báo cáo thường niên dày cộm của FIFA. Bà yêu cầu FIFA tổ chức một kỳ World Cup dành riêng cho nữ giới. Bị tấn công bất ngờ, FIFA đã đồng ý. Và theo giả thuyết này, các đại biểu Triều Tiên có mặt tại hội trường khi đó đã quay trở về Bình Nhưỡng với một kế hoạch trong tay.
“Có thể ai đó đã đến gặp Kim Jong-il và nói rằng chúng ta có thể tận dụng cơ hội này”, Weich nói. “Triều Tiên không mạnh về kinh tế, khoa học, hay các lĩnh vực khác, nhưng trong những quốc gia như thế này, họ có thể giỏi một số môn thể thao, bởi vì từ trên xuống, họ có thể tập trung vào huấn luyện mà không bị xao nhãng bởi điều gì khác."
Weich khẳng định: "Tôi không nghĩ việc Kim Jong-il quan tâm đến bóng đá nữ là điều bịa đặt, có thể ông ta thực sự xem đây là cơ hội để thể hiện trên trường quốc tế.”
Kế hoạch được triển khai đơn giản nhưng triệt để. Trẻ em được đào tạo bóng đá chính thức ngay từ khi còn học tiểu học. Tuyển trạch viên được cử đi khắp nơi trong cả nước để tìm kiếm tài năng. Những người xuất sắc nhất được đưa về học tại trường năng khiếu trung ương, sau đó sẽ tập luyện toàn thời gian trong các đội bóng do quân đội quản lý, hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước.
Phần thưởng dành cho cầu thủ Triều Tiên không phải là hợp đồng bạc tỷ hay suất thi đấu ở nước ngoài. Được chuyển đến sống tại Bình Nhưỡng mới là phần thưởng thật sự. Nơi đây có điều kiện sống và cơ hội giải trí tốt hơn so với vùng nông thôn vốn thiếu thốn lương thực, y tế và hệ thống sưởi.

So với các khu vực khác trên cả nước, Bình Nhưỡng mang một bộ mặt khác. Đây là nơi có các tòa nhà chung cư cao tầng, một sân vận động 150.000 chỗ ngồi, khu bowling, cửa hàng bách hóa, sở thú và công viên giải trí. Thành phố mang dáng dấp của một đô thị thời Xô Viết với các khối bê tông khổng lồ đã phai màu.
“Có vẻ như được sống tại Bình Nhưỡng là một đặc ân so với việc sống ở nông thôn”, Weich nhận xét:“Các cầu thủ nhận được căn hộ từ lãnh tụ như một món quà, có thể đưa cha mẹ tới sống cùng ở thủ đô. Được chọn vào đội tuyển quốc gia có thể thay đổi cuộc đời của một người phụ nữ và cả gia đình cô ấy.”
Khi tuyển nữ Anh còn phải chật vật để lấp đầy khán đài với 5.000 khán giả, thì ở Triều Tiên, sân Kim Il-sung với sức chứa 50.000 người thường xuyên chật kín, nơi các cầu thủ vẫn được xem là những người nổi tiếng.

Weich nói: “Họ là những ngôi sao, người hâm mộ nhận ra họ, xin chữ ký. Thậm chí còn có một bộ phim truyền hình dài tập dựa trên đội tuyển bóng đá nữ, trong đó có cả các tình tiết như cha mẹ cấm con gái chơi bóng hay chuyện tình yêu bị ngăn cấm.”
Việc được triệu tập vào đội tuyển quốc gia còn có nghĩa là cầu thủ được ra nước ngoài. Công dân Triều Tiên không được phép rời khỏi đất nước nếu không có sự cho phép của nhà nước. Các giải đấu quốc tế giúp họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà phần lớn đồng bào họ chưa từng biết tới.
Nhận xét về những cầu thủ Triều Tiên mà Brigitte Weich có cơ hội tiếp xúc, bà nói: “Theo lời các cầu thủ nữ mà tôi theo chân: ‘người Mỹ cao lớn và khỏe hơn vì họ có đủ thức ăn và mọi thứ mà chúng tôi không có, nhưng tinh thần chiến đấu của chúng tôi thì rất mạnh mẽ, điều mà không ai có thể ngờ tới’."
"Họ rất yêu bóng đá, nhưng điều thúc đẩy họ mạnh mẽ nhất không phải chỉ là đam mê với môn thể thao này, mà là lòng trung thành tuyệt đối với lãnh tụ và Tổ quốc. Ngay từ nhỏ, họ đã được dạy rằng vinh quang của đất nước là điều quan trọng nhất, còn bản thân mỗi người không có ý nghĩa gì nếu không đóng góp cho tập thể.”
Tại World Cup 2007, Triều Tiên vượt qua vòng bảng với thành tích đứng trên Thụy Điển và Nigeria, rồi bị loại ở tứ kết trước đội tuyển Đức, đội sau đó lên ngôi vô địch.
Nhớ về lần có cơ hội chạm mặt các cầu thủ Triều Tiên, O’Reilly kể lại: “Tại giải đấu đó, chúng tôi ở cùng khách sạn với đội Triều Tiên. Tôi nhớ khoảnh khắc khi chúng tôi đi chung thang máy với một vài cầu thủ của họ. Tôi đã nghĩ rằng sẽ rất tuyệt nếu có thể bắt chuyện, chơi bài hay tạo ra một khoảnh khắc giao lưu văn hóa nào đó".
"Nhưng ý nghĩ đó nhanh chóng qua đi, bởi họ không có vẻ gì là muốn giao tiếp. Có thể tôi đã không công bằng khi nghĩ vậy, nhưng không có nhiều nụ cười hay ánh mắt được trao đổi. Họ trông cực kỳ nghiêm túc trong thang máy. Bạn bắt đầu nghĩ về cách họ tập luyện, sự chuẩn bị của họ, và lý do họ đến với bóng đá. Tôi luôn rất tò mò về câu chuyện đằng sau.”
Chiến dịch World Cup 2011 của tuyển nữ Triều Tiên nổi bật theo cách khác. Đó là khi bóng đá nữ Triều Tiên dính vào vụ bê bối doping lớn nhất của bóng đá nữ trong nhiều thập kỷ, 5 cầu thủ bị phát hiện dương tính với một loại steroid hiếm.
Lời giải thích của phía Triều Tiên còn kỳ lạ hơn: họ nói rằng đó là do một bài thuốc dân gian làm từ tuyến hươu xạ, được sử dụng sau khi sân tập của họ bị sét đánh. Điều này càng làm dấy lên câu hỏi về giải pháp triệt để cho cuộc chiến chống doping.

FIFA, với sự nghi ngờ sâu sắc, đã cấm tuyển nữ Triều Tiên tham dự World Cup 2015. Án treo khiến thứ hạng vòng loại của họ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến việc không thể góp mặt tại World Cup 2019. Đến năm 2023, họ tiếp tục vắng mặt khi rút lui khỏi các hoạt động quốc tế do các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Mùa thu năm 2023, họ trở lại thi đấu và giành huy chương bạc tại Đại hội Thể thao châu Á. Tuy nhiên, tuyển nữ Triều Tiên lại để vuột mất tấm vé dự Thế vận hội Paris 2024 khi thua Nhật Bản với tổng tỷ số 1-2 trong loạt trận play-off hai lượt.
Không ai biết chắc đội tuyển nữ Triều Tiên sẽ có thể huy động được sức mạnh như thế nào trong tương lai. Liệu thế hệ tài năng trẻ có thể trở thành trụ cột ở cấp độ đội tuyển quốc gia? Hay tốc độ phát triển của bóng đá nữ toàn cầu cộng với sự cô lập kéo dài của Triều Tiên sẽ khiến họ không thể bắt kịp?
Cũng giống như tất cả những gì liên quan đến đất nước này, từ những chiến lược lớn lao cho đến các chi tiết nhỏ nhất trong đời sống, tương lai của bóng đá nữ Triều Tiên vẫn là một ẩn số.
Theo "BBC"