U.23 Việt Nam: Sân chơi Đông Nam Á và bài toán dự World Cup
BongDa.com.vnBên cạnh mục tiêu bảo vệ ngôi vương, U.23 Việt Nam phải hướng đến việc cọ xát và tích lũy kinh nghiệm chinh chiến đỉnh cao nhằm hướng đến kế hoạch tham vọng hơn.

Giải U.23 Đông Nam Á dù còn non trẻ nhưng lại mang một ý nghĩa quan trọng đối với bóng đá Việt Nam, đặc biệt dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang-sik. Sáng ngày 14.7, U.23 Việt Nam đã lên đường sang Indonesia để tham dự giải đấu năm 2025.
Đây là sân chơi mà bóng đá trẻ Việt Nam đã hai lần vô địch vào các năm 2022 và 2023 với thành tích bất bại và số bàn thua ít nhất. Nếu xét riêng trên bình diện U.23, bóng đá Việt Nam đã là số 1 Đông Nam Á trong 8 năm qua với những thành tích nổi trội như Á quân U.23 châu Á 2018, vô địch SEA Games 30 (2019) và 31 (2022), vô địch U.23 Đông Nam Á 2022, 2023, và lọt vào tứ kết U.23 châu Á 2022 và 2024.
Tuy nhiên, thành tích không phải là thước đo duy nhất cho sự thành bại của bóng đá trẻ. Bởi lẽ, sân chơi này thuần túy chỉ là cái nôi "trồng người". Mục tiêu cao cả của U.23 là nơi bồi dưỡng, mài giũa những "ngọc thô" tiềm năng để lớp trẻ tích lũy kinh nghiệm, qua đó thuận lợi tỏa sáng ở đội tuyển quốc gia.
Và trên khía cạnh này, khó có thể nói U.23 Việt Nam đang thực sự thành công. Thậm chí, lứa U.23 hiện tại đang có dấu hiệu đi lùi rõ rệt khi chỉ có một cầu thủ thuộc nhóm tuổi này (Bùi Vĩ Hào) có suất đá chính ở đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024.
Dù HLV Kim Sang-sik tích cực trao cơ hội cho những gương mặt trẻ như Văn Trường, Thái Sơn, Quốc Việt, Lý Đức, Văn Khang hay Trung Kiên, tất cả đều chưa thể cạnh tranh được vị trí chính thức.

Đây không phải là một tín hiệu khả quan để đội tuyển Việt Nam có thể nghĩ về tấm vé dự vòng loại thứ ba World Cup 2030 và suất dự VCK World Cup 2034, như những gì đã đề cập trong đề án phát triển bóng đá Việt Nam.
Nếu làm một phép tính đơn giản: đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu vòng loại World Cup 2030 từ năm 2027, sau đó đấu vòng loại World Cup 2034 từ năm 2031. Giai đoạn 2027 - 2031 cũng trùng với thời kỳ đỉnh cao của lứa U.23 hiện tại, với chủ yếu các cầu thủ sinh năm 2003 và 2004. Muốn dự World Cup, bóng đá Việt Nam phải chăm bẵm lứa U.23 hiện tại, đồng thời bồi dưỡng thêm lớp kế cận U.20 và U.17.
Sứ mệnh của U.23 Việt Nam không nhất thiết phải là vô địch. Bởi lẽ, lứa U.23 Việt Nam năm 2022 dưới thời HLV Đinh Thế Nam, hay lứa U.23 năm 2023 của HLV Hoàng Anh Tuấn đều đã đăng quang tại giải U.23 Đông Nam Á, nhưng những đóng góp cho đội tuyển Việt Nam lại không đáng kể.
Lứa cầu thủ sinh năm 2000 như Mạnh Dũng, Hoàng Anh, Thanh Minh, Duy Cương từng vô địch SEA Games 31 (năm 2022), nhưng đến hiện tại, số cầu thủ còn đủ sức cạnh tranh ở đội tuyển quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiệm vụ tối thượng của lứa trẻ lúc này là tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành để tiến ngày một gần hơn đến đẳng cấp của đội tuyển quốc gia.

Tất nhiên, không thể vì thế mà phủ nhận vai trò quan trọng của giải U.23 Đông Nam Á. Trong bối cảnh cầu thủ trẻ ngày càng "đói" sân chơi do áp lực thành tích quá lớn ở cấp CLB và đội tuyển quốc gia, có một giải đấu để thi thố cũng đã là vô cùng quý giá.
Học trò của HLV Kim Sang-sik, đặc biệt là những cái tên đang ở ranh giới giữa đội tuyển và đội trẻ như Trung Kiên, Lý Đức, Văn Trường, Thái Sơn..., phải tận dụng từng trận đấu để chứng tỏ năng lực và tiềm năng của bản thân.
Khi các nền bóng đá trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều đang đầu tư mạnh mẽ cho lứa trẻ, giải đấu này sẽ là một sàn đấu đủ chất lượng để những nhân tố thực sự đẳng cấp có thể phát lộ tiềm năng. Áp lực ở giải đấu này, cũng như các giải đấu kế tiếp như U.23 châu Á hay SEA Games, sẽ là bước đệm quan trọng để U.23 Việt Nam trở nên cứng cỏi và trưởng thành hơn trong tương lai.
Đã là vàng thật, nhất định không sợ lửa. Thế hệ trụ cột hiện tại của đội tuyển quốc gia đang dần bước sang sườn dốc bên kia sự nghiệp và cũng chẳng còn nhiều động lực. Do đó, lứa trẻ cần được trau dồi và bồi dưỡng để vươn lên ngay từ bây giờ, trở thành nền tảng vững chắc cho tham vọng World Cup của bóng đá Việt Nam trong tương lai.