Sự cố chấp của Ruben Amorim tại Manchester United
BongDa.com.vnHuấn luyện viên Ruben Amorim vẫn kiên định với sơ đồ 3 hậu vệ tại Manchester United bất chấp thất bại ở chung kết Europa League. Sự bảo thủ này khiến "Quỷ đỏ" rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Thất bại 0-1 trước Tottenham trong trận chung kết Europa League không chỉ khép lại một mùa giải tệ hại với Manchester United, mà còn phơi bày rõ nét tình thế tiến thoái lưỡng nan của huấn luyện viên Ruben Amorim tại Old Trafford.
Giữa lúc người đồng nghiệp Ange Postecoglou nói về sự cần thiết phải thích nghi và điều chỉnh, nhà cầm quân 40 tuổi lại tuyên bố thẳng thừng: “Tôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì trong cách tôi làm việc".
Câu nói ấy không chỉ là biểu hiện của niềm tin cá nhân, mà còn là minh chứng cho sự cố chấp, điều đang khiến Manchester United lún sâu vào khủng hoảng. Vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha được biết đến với hệ thống 3-4-2-1 đã áp dụng thành công ở Sporting, nhưng môi trường Premier League đòi hỏi nhiều hơn sự kiên định.
Thống kê cho thấy 77% các trận đấu tại giải đấu số một nước Anh mùa này được triển khai với hàng thủ bốn người, chỉ 23% dùng ba hậu vệ. Sự bảo thủ của huấn luyện viên Ruben Amorim rõ ràng đang trở thành một trở ngại lớn.
Quan trọng hơn, phần lớn nhân sự "Quỷ đỏ" hiện tại không phù hợp với sơ đồ của ông. Những cầu thủ tấn công biên như Amad Diallo hay Alejandro Garnacho lại thường bị bó hẹp vào vai trò số 10 trong hệ thống, gây lãng phí tiềm năng.
Những hậu vệ như Victor Lindelof hay Harry Maguire không đủ tốc độ để chơi dâng cao như yêu cầu của sơ đồ này. Trong bối cảnh đó, đội bóng liên tục sa sút (tạm thời đứng thứ 16 trên bảng xếp hạng Premier League) và thất bại vừa qua chỉ là điều vốn dĩ phải đến.
Vấn đề còn nằm ở chỗ: Để huấn luyện viên Ruben Amorim thành công, Manchester United sẽ cần một cuộc cải tổ lớn, chiêu mộ hàng loạt cầu thủ phù hợp với triết lý của ông. Nhưng điều đó đi kèm chi phí khổng lồ, điều không hề dễ dàng khi "Quỷ đỏ" đã không thể giành suất dự Champions League, ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính câu lạc bộ.
Rủi ro là quá rõ ràng: Nếu đầu tư mạnh tay cho nhà cầm quân 40 tuổi và ông rời đi sau một hoặc hai mùa giải, đội bóng lại rơi vào vòng lặp thay tướng – thay quân như đã từng.

Lịch sử cho thấy Manchester United đã nhiều lần rơi vào cái bẫy này: Xây dựng đội hình xoay quanh một huấn luyện viên cụ thể, rồi gỡ bỏ toàn bộ khi thay người. Giờ đây, Sir Jim Ratcliffe và ban lãnh đạo phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: Tiếp tục đặt niềm tin vào hệ thống hiện tại, hoặc sớm nhận ra rằng sự cứng nhắc ấy không phù hợp với lộ trình lâu dài.
Ruben Amorim không phải là một huấn luyện viên kém tài. Nhưng sự bảo thủ trong cách tiếp cận chiến thuật đang khiến ông trở thành một mắt xích sai lệch trong một Manchester United đang cần linh hoạt, thích ứng và đổi mới. Nếu chẳng thay đổi, nhà cầm quân 40 tuổi có thể là người tự gạt mình ra khỏi kế hoạch phục hưng "Quỷ đỏ".